VCCI đề nghị vẫn cho phép dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0%

Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đề xuất đánh thuế đối với hầu hết dịch vụ xuất khẩu (về cơ bản là mức 10%) thay vì được hưởng thuế suất 0%.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có góp ý Dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi) (sau đây gọi tắt là Dự thảo).

Thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ xuất khẩu

Điều 9.1 của Dự thảo sửa đổi theo hướng sẽ đánh thuế đối với hầu hết dịch vụ xuất khẩu, mà không cho phép hưởng thuế suất 0% như trước đây. Các lĩnh vực dịch vụ xuất khẩu vẫn được hưởng thuế suất 0% chỉ còn vận tải quốc tế, cho thuê phương tiện vận tải ngoài lãnh thổ Việt Nam và một số dịch vụ liên quan. Các lĩnh vực dịch vụ khác sẽ phải chịu nghĩa vụ thuế cao hơn, tương ứng với từng loại dịch vụ cụ thể như 10% hoặc 5% hoặc không được khấu trừ đầu vào do thuộc diện không chịu thuế.

Chính sách này sẽ làm tăng chi phí thuế của nhiều doanh nghiệp Việt Nam cung cấp dịch vụ cho khách hàng tại nước ngoài. Các lĩnh vực chịu tác động nhiều nhất là kinh doanh trên môi trường internet, sản xuất nội dung số, sản xuất các ứng dụng, trò chơi điện tử, dịch vụ nghe nhìn, giải trí, dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ tư vấn các loại, dịch vụ thiết kế, dịch vụ máy tính, dịch vụ thông tin…

Hầu hết các doanh nghiệp này hiện đang phải cạnh tranh với đối thủ đến từ các nước đang phát triển khác. Nếu họ phải chịu thuế giá trị gia tăng 10% hoặc 5% thì có nguy cơ mất khách hàng, mất thị phần, khó có cơ hội phát triển, từ đó mất đi việc làm trong nước và giảm nguồn thu ngoại tệ cho quốc gia. Đối với lĩnh vực phần mềm, sản phẩm phần mềm xuất khẩu sẽ chuyển từ diện 0% sang diện không chịu thuế, tức là các doanh nghiệp không được khấu trừ đầu vào, khiến chi phí sản xuất tăng từ 2-3%.

Nhờ sự phát triển của internet, tác động của Covid và sự phát triển của đội ngũ nhân lực trong nước, xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam đang tăng trưởng nhanh. Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 20 tỷ đô la, tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 11% mỗi năm, cao hơn so với tăng trưởng GDP.

Dịch vụ xuất khẩu thường là những ngành đòi hỏi lao động trình độ cao, không yêu cầu vốn đầu tư lớn như công nghiệp chế biến chế tạo. Đây là những lĩnh vực phù hợp với bối cảnh kinh tế của Việt Nam. Thêm vào đó, xuất khẩu dịch vụ trên môi trường internet hiện nay giúp quảng bá hình ảnh đất nước và làm gia tăng sức mạnh mềm của quốc gia.

Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế định hướng xuất khẩu. Từ Đổi mới đến nay, xuất khẩu hàng hoá luôn là động lực tăng trưởng quan trọng của đất nước, với tốc độ tăng trung bình gần 15% mỗi năm. Kết quả này có được không thể không kể đến vai trò của chính sách thuế GTGT đối với hàng hoá xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% và doanh nghiệp được hoàn thuế đầu vào. Mặc dù trong quá trình áp dụng, vẫn có tình trạng một số doanh nghiệp gian lận để trục lợi hoàn thuế, nhưng điều đó không thể phủ nhận ích lợi to lớn của chính sách thuế xuất khẩu hàng hoá 0%. Ngành thuế giai đoạn đầu cũng gặp nhiều khó khăn trong việc chống gian lận hoàn thuế, nhưng qua nhiều năm thực hiện, với nhiều nỗ lực thì tình trạng này đã được hạn chế rất nhiều.

Thuyết minh cho sửa đổi này, cơ quan soạn thảo cho rằng, thời gian qua, cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc phân biệt doanh thu nào đến từ dịch vụ được xuất khẩu, doanh thu nào đến từ dịch vụ được tiêu dùng trong nước. Luật Thuế GTGT hiện hành cho phép dịch vụ xuất khẩu hưởng thuế suất 0%. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, họ vẫn thường bị áp mức thuế 10% do cán bộ thuế không phân biệt được đâu là dịch vụ tiêu dùng trong nước, đâu là dịch vụ xuất khẩu. Các doanh nghiệp đã cố gắng thuyết minh bằng việc cung cấp cho cơ quan thuế rất nhiều thông tin như dữ liệu của các nền tảng trung gian (Google, Apple…), IP của người dùng, dữ liệu thanh toán ngân hàng, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản của khách hàng, hợp đồng, email trao đổi… Thậm chí, có doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trên internet đã buộc phải tách sản phẩm của mình thành hai phiên bản để cung cấp cho hai thị trường khác nhau nhưng vẫn không được chấp nhận. Trước tình trạng đó, không ít cá nhân, doanh nghiệp đã thành lập thêm doanh nghiệp tại nước ngoài để cung cấp dịch vụ cho khách hàng trên thế giới, nhằm giảm nghĩa vụ thuế phải nộp.

Việc phân loại người dùng trong nước và người dùng tại nước ngoài trên môi trường internet hiện đã có giải pháp. Hiện nay, OECD đã có hướng dẫn về việc xác định nơi tiêu dùng dịch vụ trên môi trường số và được nhiều quốc gia áp dụng (OECD International VAT/GST Guidelines). Thậm chí, Việt Nam cũng đã tiếp thu khuyến nghị này của OECD khi thu thuế dịch vụ nhập khẩu. Cụ thể, tại Thông tư 80/2021/TT-BTC, Điều 77 đã quy định nhà cung cấp tại nước ngoài, khi cung cấp dịch vụ vào Việt Nam sẽ phải kê khai và nộp thuế. Tại khoản 3 của Điều này, việc xác định doanh thu đó được phát sinh tại Việt Nam được thực hiện theo nguyên tắc lấy nhiều nguồn thông tin không mâu thuẫn nhau như thông tin thẻ tín dụng, thông tin tài khoản ngân hàng, địa chỉ thanh toán, địa chỉ giao hàng, địa chỉ nhà, mãng vùng điện thoại, địa chỉ IP, vị trí đường dây điện thoại cố định… Như vậy, pháp luật đã yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài phải sử dụng những thông tin trên để thu thuế dịch vụ nhập khẩu, nhưng lại không cho doanh nghiệp trong nước sử dụng những thông tin đó để được hưởng thuế suất 0% khi cung cấp dịch vụ xuất khẩu.

Với những lý do trên, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định về thuế giá trị gia tăng dối với dịch vụ xuất khẩu theo hướng vẫn cho phép các dịch vụ này được hưởng thuế suất 0%, đồng thời quy định cụ thể về việc xác định doanh thu đến từ nước ngoài theo phương pháp tương tự như khi đánh thuế dịch vụ nhập khẩu.

Dịch vụ tài chính phái sinh

Điều 5.9.g của Dự thảo quy định đối tượng không chịu thuế “Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán: dịch vụ tài chính phái sinh bao gồm: hoán đổi lãi suất; hợp đồng kỳ hạn; hợp đồng tương lai; quyền chọn mua, bán ngoại tệ; dịch vụ tài chính phái sinh khác theo quy định của pháp luật.” Quy định này chưa bảo đảm thống nhất thuật ngữ với pháp luật trong các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán và thương mại.

Luật Chứng khoán quy định ba loại chứng khoán phái sinh gồm hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn. Pháp luật ngân hàng hiện cho phép các ngân hàng thương mại cung cấp hai loại sản phẩm phái sinh là sản phẩm phái sinh lãi suất (tại Thông tư 01/2015/TT-NHNN) và sản phẩm phái sinh giá cả hàng hoá (Thông tư 40/2016/TT-NHNN). Luật Thương mại, dù không dùng từ “phái sinh”, nhưng cũng có quy định về hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng quyền chọn là các loại hợp đồng mua bán hàng hoá qua Sở giao dịch hàng hoá.

Để bảo đảm thống nhất về thuật ngữ, tránh phát sinh vướng mắc khi áp dụng, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi Điều 5.9.g theo hướng bao gồm toàn bộ các dịch vụ phái sinh gồm hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng hoán đổi và dịch vụ phái sinh khác theo quy định của pháp luật.

Thuế giá trị gia tăng của doanh nghiệp chế xuất khi bán hàng vào nội địa

Một số doanh nghiệp chế xuất hiện phản ánh tình trạng họ đang phải nộp thuế giá trị gia tăng hai lần cho cùng một lượng hàng hoá bán vào nội địa. Theo đó, khi doanh nghiệp trong khu chế xuất bán hàng hoá vào nội địa sẽ phải mở tờ khai nhập khẩu và (doanh nghiệp đó hoặc người nhập khẩu) phải nộp thuế GTGT một lần cho lượng hàng hoá này cho cơ quan hải quan. Đến kỳ kê khai thuế GTGT, cơ quan thuế tiếp tục yêu cầu doanh nghiệp kê khai và nộp thuế GTGT một lần nữa cho doanh thu từ lượng hàng hoá này.

Về vấn đề này, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ theo hướng doanh nghiệp chế xuất khi bán hàng hoá vào nội địa sẽ phải nộp thuế GTGT khi làm thủ tục hải quan mà không phải nộp thuế GTGT cho hàng hoá đó theo kỳ tính thuế nữa.

T.M

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/vcci-de-nghi-van-cho-phep-dich-vu-xuat-khau-duoc-huong-thue-suat-0-a100407.html