Giống bí khổng lồ, một trái xẻ ra cả xóm ăn mới hết
Người làng Chánh Trạch (xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, Bình Định) đặc biệt tự hào về giống bí đao khổng lồ của quê mình, mà họ tin rằng khắp đất Việt không đâu có. Giống bí kỳ lạ này cho ra trái nặng từ 40 - 60kg, có những trái "đột biến" còn nặng đến hơn 70kg.
Chú Ba Biên (67 tuổi), 1 trong 30 hộ dân còn gắn bó với vườn bí khổng lồ ở Chánh Trạch chia sẻ: "Cha tôi năm nay 92 tuổi vẫn còn kể lại, từ khi cha sinh ra đã thấy nhà có trồng bí đao. Trước đó, đời ông cố, ông sơ cũng có bí đao to như vậy. Đến đời con cháu cũng cứ thế mà trồng, trái nhỏ nhất cũng cỡ 40kg.
Mà lạ là, chỉ duy nhất chỉ bí đao ở làng này trồng ra nặng được như vậy. Tôi có cho giống bà con trong Sài Gòn, ngoài Bắc trồng, họ nói lại là chăm dữ lắm, trái to cũng chỉ 15 - 20kg, không thể lớn hơn. Cũng cùng xã này, nhưng làng khác trồng trái cũng nhỏ nhỏ thôi, kỳ vậy chứ".
Thường thì đầu tháng 11 âm lịch, người dân sẽ làm đất gieo hạt, chuẩn bị giàn để bí leo. Ngày xưa, người ta làm giàn bằng tre, một vài năm phải thay, để đảm bảo giàn đủ sức gánh những trái khổng lồ.
Sau vài lần giàn bị sập giữa chừng, nhà chú Ba Biên đầu tư hẳn trụ bê tông để trồng nhiều vụ. Mỗi giàn, tính cả trái và dây bí, có sức chịu khoảng 5 tấn. "Làm dàn bí mà đầu tư như làm nhà vậy", chú nói đùa.
Sau Tết Nguyên đán, bí bắt đầu ra quả là lúc người dân phải canh đêm để soi bí. Thấy trái nào đậu là phải kéo xuống, lọt qua đám lá và vướng giàn, nếu không trái không lớn nổi.
Vợ chú Ba Biên tiết lộ, mỗi năm nhà chú trồng khoảng 100 - 150 dây bí, nhưng sẽ cắt bỏ bớt trong quá trình trái non, chỉ giữ lại mỗi dây 1 trái đẹp nhất, để cây tập trung nuôi.
Tới khi trái "trọng trọng" thì phải làm võng cho bí "ngủ" dưới giàn, hỗ trợ cuống bí không bị quá sức và để giữ cho trái bí không bị rớt, gãy giữa chừng.
Bí ẩn mạch nước ngầm chỉ chảy quanh làng, hàng trăm năm nuôi bí lớn
Theo người dân trong làng, bí đao khổng lồ ở đây chắc, dày cơm, có hương thơm, ngon ngọt hơn hẳn so với bí đao thường. Bí được dùng để nấu canh, làm mứt, làm trà bí đao... Đọt bí, lá bí cũng to hơn so với bí thường, người dân cắt ăn hàng ngày như một loại rau.
Không chỉ thu hoạch trái hay lá, khi cắt dây, người dân còn hứng nước chảy ra từ dây bí, dùng như bài thuốc giải nhiệt, hạ sốt cho trẻ em, dưỡng da cho phụ nữ.
Chú Ba Biên kể, từ thời xa xưa dân ở đây đã trồng bí đao cho trái to như vậy. Đây là giống cây bản địa thuần chủng 100%, cứ hết mùa lại giữ hạt làm giống gieo vụ mới.
Việc chăm sóc thì ngoài kỹ thuật và bón phân chuồng, phân bánh dầu (bã đậu phộng đã ép dầu) để cho trái bí đặc, có màu đẹp, vị ngon, người dân cũng chỉ tưới thêm nước sạch ở mạch ngầm.
Lý giải việc chỉ riêng một ngôi làng nhỏ trồng được bí khổng lồ, chú Ba Biên cho rằng phụ thuộc nhiều vào thổ nhưỡng và đất. Làng Chánh Mỹ gần biển, có đất pha cát nên xốp, ưa bí.
Ngoài ra, "làng có mạch nước ngầm tự nhiên, mát ngọt, người dân đào chừng 1m là trúng mạch nước. Chắc dùng nước đó để tưới bí, cộng với giống tốt và chăm sóc thì mới được vậy. Xích qua chút xíu là không còn mạch nước ngầm chảy qua nữa, có trồng thì bí cũng khó đạt trọng lượng tối đa như ở đây".
Về mặt phong thủy, người già trong làng kể rằng Bàu Chánh Trạch nằm lọt thỏm giữa đầm lầy, núi dựng ba mặt, hướng về phía biển. Tương truyền ngày xưa có một người khổng lồ đã gánh hai quả núi ngăn dòng thủy quái, đến nơi này thì đòn gánh gãy, núi rơi xuống trở thành bờ chắn phù sa, nên trồng cây gì cũng tươi tốt.
Thú vị là vậy, nhưng nghề trồng bí tại đây đang dần mai một, do khó khăn trong việc tìm đầu ra và thu nhập không hấp dẫn. Mỗi năm người dân chỉ trồng được 1 vụ. Dù thu hoạch được cỡ 4 - 5 tấn bí, nhưng giá rẻ, không thấm tháp vào đâu. Giờ cả làng chỉ có 30 hộ còn giữ giống và duy trì trồng bí đao khổng lồ.
Ngoài một số hộ tự làm trà bí đao, người ta cũng mở thêm các tour du lịch cho khách phương xa đến tham quan vườn bí. Khoảng tháng 3 - tháng 5, thời điểm bí đao khổng lồ đã già và chuẩn bị thu hoạch, người du lịch hè có thể ghé qua chiêm ngưỡng, chụp ảnh kỷ niệm. Đây cũng là một điểm nhấn của địa phương, khiến các hộ còn lưu luyến giống bí có thêm động lực gìn giữ và duy trì canh tác.