Nhu cầu xe điện toàn cầu sụt giảm đã tác động mạnh đến hãng xe điện Tesla, với các báo cáo về việc sa thải, cắt giảm nhân sự cũng như tạm dừng một số dự án. Nhưng với một người đầy tham vọng như tỷ phú Elon Musk, một ý tưởng kinh doanh khác đang được ông đề xuất: biến đội xe Tesla thành một nền tảng đám mây biết đi.
Nếu xem mỗi chiếc xe Tesla là một máy tính biết đi chứ không chỉ là một chiếc xe điện thông thường, vậy tại sao không tận dụng những lúc chúng không di chuyển để biến đội xe Tesla thành một nền tảng điện toán đám mây để thực hiện các phép toán AI phức tạp – tương tự như cách Amazon khai thác sức mạnh của các máy chủ không sử dụng để làm nên dịch vụ đám mây AWS.
Ông Musk cho biết: "Có một tiềm năng ở đây … khi dùng chiếc xe không di chuyển để thực hiện phép toán suy luận phân tán. Nếu bạn tưởng tượng về một tương lai với đội xe 100 triệu chiếc Tesla, mỗi chiếc có khoảng 1 KW sức mạnh điện toán suy luận. Đó sẽ là 100 Giga Watt sức mạnh tính toán, được phân tán trên toàn thế giới."
Vì vậy, tóm lại, bạn mua một chiếc Tesla. Đó là tài sản của bạn. Nhưng ông Musk muốn tận dụng một phần năng lượng cho chiếc xe của bạn khi không di chuyển để vận hành máy tính trên chiếc xe – một phần trong bộ phần cứng hỗ trợ lái xe Full Self-Driving của Tesla. Phần sức mạnh điện toán này sẽ tương đương hoặc thậm chí vượt quá cả card đồ họa GeForce RTX 4090 của NVIDIA.
Đối với Tesla, đây là tình huống cả hai bên cùng có lợi. Lợi ích lớn nhất là họ không tốn một xu để xây dựng hoặc bảo trì phần cứng. Như Musk đã nói rõ trong cuộc gọi báo cáo thu nhập hàng quý, "các chi phí vốn được chia sẻ bởi toàn thế giới." Điều đó có nghĩa là bất kỳ ai mua một chiếc Tesla cũng được trả tiền cho phần cứng mà nhà sản xuất ô tô dự định sử dụng cho mục đích này. Hơn nữa, Tesla không cần phải duy trì một trung tâm dữ liệu trung tâm nơi mà chi phí điện và làm mát sẽ tốn kém tiền của họ.
Ông Musk cho biết: "Mỗi người đều được sở hữu một phần nhỏ. Và họ còn có thể có được một khoản lợi nhuận nhỏ từ nó, có lẽ vậy."
Cho dù vậy, có rất nhiều trở ngại kỹ thuật đối với kế hoạch này. Dù sức mạnh tính toán của mỗi xe Tesla có thể tương đương với GeForce RTX 4090, nhưng nó vẫn kém xa so với các GPU chuyên dụng dành cho AI của NVIDIA như A100 hay H100 – mỗi GPU này có giá từ hơn 10.000 USD đến 40.000 USD. Không chỉ thua kém về hiệu năng, việc thiếu hụt nhiều tính năng khác cũng có thể làm cho khả năng tính toán AI trở nên bất khả thi.
Hơn thế nữa, hệ thống mạng kết nối cũng không tương đồng nhau cho hàng chục triệu chiếc xe điện phân tán trên toàn cầu. Trong khi đó, các trung tâm dữ liệu, các máy chủ AI khổng lồ đều được liên kết với nhau bằng các sợi cable đặc biệt để tăng băng thông đến mức tối đa và giảm độ trễ tới mức tối thiểu – với các thông số kỹ thuật mà mạng Wi-Fi hoặc kết nối không dây đang được trang bị trên những xe Tesla hiện nay không thể đạt tới.
Tuy vậy, để thấy được sức mạnh của một mạng lưới điện toán phân tán có thể lớn tới mức nào hãy nhìn vào khả năng tàn phá của các cuộc tấn công DDoS – một ví dụ tương đồng nhất cho ý tưởng mà ông Musk đang đề xuất. Mặc dù vậy, cho đến nay chưa ai khai thác được sức mạnh hủy diệt này cho các mục đích tốt đẹp hơn.
Tesla cũng không phải công ty đầu tiên muốn tận dụng những chiếc xe cho một mạng lưới điện toán phân tán để vận hành AI. Vào năm 2018 hãng Uber cũng từng nói đến ý tưởng này với dự án PetaStorm, ngoài ra còn có hãng Petals cũng với ý tưởng tương tự, tuy nhiên rõ ràng cho đến nay vẫn chưa ai thành công.
Vẫn chưa rõ đây thực sự là một ý tưởng kinh doanh đột phá và thực sự có tiềm năng mang lại nguồn doanh thu mới cho Tesla khi công ty đang phải đối mặt với sự sụt giảm nhu cầu trên toàn thế giới – hay chỉ là một câu chuyện được ông Musk đưa ra để trấn an các cổ đông về tương lai của Tesla. Điều này lại càng quan trọng hơn trong bối cảnh các cổ đông chủ chốt đang bàn bạc và quyết định xem có tước bỏ khoản thưởng cổ phiếu lên tới 56 tỷ USD cho ông Musk hay không.