Cơ quan công an đang tiến hành điều tra
Ngày 3/5, liên quan đến vụ gần 500 người dân bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại cơ sở bánh mì Băng (thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai), Công an tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ phối hợp với Công an thành phố Long Khánh vào cuộc điều tra, xác minh vụ việc.
Theo đó, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế buôn lậu và môi trường Công an tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với Công an thành phố Long Khánh tiến hành lấy mẫu thức ăn để giám định nhằm xác định nguyên nhân vụ việc.
Đồng thời, cơ quan công an cũng tiến hành làm việc với một số nạn nhân, người liên quan để phục vụ công tác điều tra.
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành vào cuộc điều tra, khắc phục hậu quả vụ ngộ độc nói trên. Trong đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh phối hợp Công an tỉnh, các đơn vị liên quan thực hiện kiểm tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc, công khai kết quả để kịp thời cảnh cáo cho cộng đồng.
Đồng thời, các cơ quan này hướng dẫn các cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm; tuyên truyền, giáo dục cho người dân thay đổi hành vi, thói quen không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ…
Hội chuẩn cứu chữa cho bệnh nhi ngộ độc
Chiều 3/5, đại diện Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cũng cho biết, bệnh viện đã mời đoàn bác sĩ từ Bệnh viện Nhi đồng 1 thành phố Hồ Chí Minh trực tiếp xuống hội chẩn cùng các bác sĩ của bệnh viện để cứu 2 bé ngộ độc nặng sau khi ăn bánh mì tại thành phố Long Khánh.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho hay, hiện bệnh viện đang điều trị 6 bệnh nhi bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì. Trong đó, có 2 ca nặng đang thở máy, lọc máu chu kỳ thứ 2.
“Dù có cải thiện so với lúc đầu nhập viện (1 ca ngưng tim, ngưng thở) nhưng cả 2 bệnh nhân vẫn đang trong tình trạng nặng và phải lọc máu nhiều chu kỳ để lọc độc chất. Do đó, các bác sĩ sẽ hội chẩn để tìm ra phương án chữa trị phù hợp nhất cho mỗi bệnh nhi”, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa cho hay.
Từ khi bệnh viện tiếp nhận các ca bệnh nặng, các bác sĩ của 2 bệnh viện thường xuyên hội chẩn trực tuyến.
Cũng theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, trong 2 ca đang lọc máu, có 1 ca không có bảo hiểm y tế. Trong khi đó, chi phí chữa trị rất cao, do bệnh nhi phải lọc máu. Dù vậy, trước mắt bệnh viện vẫn đặt việc cứu chữa cho bệnh nhi lên hàng đầu.
“Điều quan trọng nhất là cứu sống bệnh nhi, còn chi phí chữa trị, chúng tôi sẽ tìm cách sau”, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa chia sẻ.
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/vu-ngo-doc-do-an-banh-mi-tai-dong-nai-giam-dinh-mau-thuc-an-a100102.html