Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, Công ty Cổ phần Tập đoàn FPT (HoSE: FPT) đang hưởng lợi từ xu hướng công nghệ mới nhất (AI tạo sinh và phương tiện kết nối) nên nhu cầu sẽ mang tính cấu trúc và bền vững trong thời gian dài.
Cụ thể, ngày 23/4 vừa qua, FPT đã bắt tay với đại gia công nghệ NVIDIA về thúc đẩy nghiên cứu AI, cung cấp dịch vụ, giải pháp cho khách hàng Việt Nam và trên toàn cầu. Theo biên bản ghi nhớ, FPT dự kiến đầu tư 200 triệu USD để xây AI Factory cung cấp nền tảng điện toán đám mây phục vụ nghiên cứu phát triển AI và có chủ quyền tại Việt Nam.
Các cổ phiếu liên quan đến AI ở Đông Nam Á, đặc biệt là cổ phiếu của các công ty hợp tác với NVIDIA đã tăng vọt nhờ nhu cầu ngày càng tăng đối với AI tạo sinh, FPT cũng không ngoại lệ.
Kết phiên 2/5, FPT trở thành “đầu tàu” dẫn dắt đà tăng của thị trường khi tiếp tục thiết lập kỷ lục về giá, tăng 3,33% lên 127.300 đồng/cổ phiếu.
So với thời điểm đầu năm, thị giá mã này đã tăng đến 32,5%. Vốn hoá thị trường theo đó cũng tăng 39.877 tỷ đồng lên mức 161.667 tỷ đồng (6,6 tỷ USD). Kết quả này đã đưa FPT quay lại top 10 doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Không chỉ riêng cổ đông hưởng lợi, tài sản dàn lãnh đạo FPT cũng gia tăng đáng kể sau cú bứt tốc này. Theo đó, với 88,73 triệu cổ phiếu FPT đang sở hữu, tài sản Chủ tịch Trương Gia Bình tăng 2.707 tỷ đồng kể từ đầu năm lên 11.265 tỷ đồng. Phó Chủ tịch Bùi Quang Ngọc cũng gia tăng 570 tỷ đồng lên 2.652 tỷ đồng, Thành viên HĐQT Đỗ Cao Bảo đang nắm giữ 1.535 tỷ đồng.
Tính từ đầu năm, tổng tài sản của 3 nhà sáng lập FPT này đã tăng gần 3.800 tỷ đồng lên mức 15.500 tỷ đồng.
Trong 10 năm trở lại đây, giá trị vốn hoá của ông lớn công nghệ này liên tục tăng trưởng, chỉ duy nhất năm 2018 ngược dòng đi lùi. Hiện vốn hoá của FPT đã tăng gấp 11 lần sau 10 năm, tương đương mức tăng trưởng kép gần 27%/năm.
Đà tăng của FPT không chỉ riêng việc hợp tác với ông lớn công nghệ NVIDIA, mà còn được hỗ trợ tích cực bởi kết quả kinh doanh khởi sắc với doanh thu và lợi nhuận liên tục tăng trưởng qua từng năm.
Riêng trong quý I/2024, FPT ghi nhận doanh thu 14.093 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.534 tỷ đồng, lần lượt tăng 20,6% và 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ đạt 1.798 tỷ đồng, tăng trưởng 20,4%, EPS đạt 1.416 đồng/cổ phiếu, tăng trưởng 19,7% so với năm trước.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, Tổng Giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu doanh thu 61.850 tỷ đồng (tương đương 2,5 tỷ USD) và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, đồng loạt tăng khoảng 18% so với kết quả năm 2023.
Về tính khả thi, ông Khoa khẳng định: “Trong năm 2023, FPT đã góp mặt trong danh sách các công ty dịch vụ công nghệ tỷ USD. Sau khi đã đạt được cột mốc 1 tỷ USD, thì con số 5 tỷ hay 10 tỷ USD nằm trong tầm tay”.
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, tiềm năng tăng trưởng của Trung tâm dữ liệu và Cloud ở Việt Nam là lớn nhờ dư địa nhiều cho phát triển. Chính phủ cũng đặt mục tiêu Việt Nam trở thành trung tâm kỹ thuật số quan trọng.
“Với những triển vọng vững chắc về nhu cầu, nhóm công nghệ thông tin vẫn sẽ duy trì được đà tăng trưởng kết quả kinh doanh hai chữ số. Nhà đầu tư có thể cân nhắc cổ phiếu FPT, bởi đây là doanh nghiệp nổi bật trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, chuyển đổi số và đang đầu tư mạnh mẽ vào Trung tâm dữ liệu”, KBSV dự báo.
KBSV cũng nhấn mạnh, tuỳ theo khẩu vị đầu tư, mỗi nhịp điều chỉnh sâu của cổ phiếu sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư tích luỹ với tầm nhìn đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, rủi ro cần chú ý khi đầu tư vào nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin sẽ bao gồm tăng trưởng không như kỳ vọng do ảnh hưởng diễn biến của bối cảnh vĩ mô hoặc các dự án đầu tư bị chậm tiến độ.
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/fpt-pha-dinh-ong-truong-gia-binh-ngoi-im-van-bo-tui-2700-ty-dong-a100014.html